CHAM CHÂU ĐỐC

 

Home Bangsa Ugama Thông tin About us

 

NGĂK MAWLUD NABI
TƯỞNG NIỆM NGÀY SANH THIÊN SỨ MUHAMMAD (SAW)

Trong sinh hoạt truyền thống  Islam hàng năm, cộng đồng Chăm Muslim Châu Đốc theo Madhahab (Trường phái) Imam Shafi’y hệ phái al-Sunnah, cử hành hai lễ hội chánh yếu là Raya Haji,( tiếng A Rạp gọi là Eid al-Adha ) và Raya Fitrah (tiếng A Rạp gọi là Eid al-Fitr,). Bên cạnh, còn một lễ hội khác là Mawlud Nabi hoặc Mawlud Rasul Allah tưởng niệm ngày sanh (Mawlid) của Nabi Muhammad (SAW) nguyên đã diễn ra vào ngày 12 tháng Rabbi al-Awwal lịch Hijrah 1434,( so với Tây lịch năm 2013, nhằm ngày  24 tháng 1 ) tại Thánh địa Makkah, thuộc lãnh địa nước A Rạp Sau Đi ngày nay.

  1. Diễn tiến lễ thức tưởng niệm Mawlid un Nabi

Trong dân gian người Việt nhìn từ bên ngoài, và do  có đông đảo dân cư tích cực tham dự, người ta thường xem lễ Mawlud của  cộng đồng người Chăm Muslim Châu Đốc là “lễ cúng” tương tợ như lễ cúng thần,cúng Phật, tại các đình chùa của người Việt láng giềng trong vùng. Nhưng thực tế, đây hoàn toàn không phải là lễ cúng theo nghĩa đó, bởi lẽ người Chăm Muslim Châu Đốc không có bày biện bàn thờ, vật cúng mâm quả trái cây, gà, vịt... và quỳ lạy tượng thờ trong sinh hoạt tôn giáo này. Lễ thức Mawlud  trong Islam, thực chất, bao gồm việc tập họp và thu hút đông đảo người dân thôn ấp, theo tập tục truyền thống, đến hội họp ,cùng ngồi xếp bằng, vai kề vai sát cạnh nhau,  dọc theo bốn vách tường, trên nền gạch được trải thảm, trong chánh điện các giáo đường (masjid) hoặc tiểu giáo đường (Surao) vào ngày giờ quy định trong năm, vốn là để trang trọng tưởng niệm ngày sanh của Thiên Sứ Muhammad (SAW).

Nội dung lễ tưởng niệm bao gồm việc xướng đọc những bài kinh trong quyển kinh “Barzinji” nói về sự nghiệp của Thiên Sứ Muhammad (SAW). Quyển kinh “Barzinji”viết bằng chữ A Rạp được trang trọng đặt trên một vật kê cổ truyền gọi là lahag làm bằng hai miếng ván xinh xắn tựa vào nhau.  Trong khói hương trầm bát ngát tỏa ra từ một lư trầm bé nhỏ cổ truyền đặt trước mặt, người xướng đọc các bài kinh Barzinjy thường là các thanh niên trẻ được tuyển chọn theo lối luân phiên trong thôn ấp đến ngồi xếp bằng phía sau chờ đến luợt ngâm đọc. Đây là cơ hội nói lên niềm tự hào của các gia đình có con em tham gia tranh tài xướng đọc, được đánh giá từ cách phát âm đến cả âm điệu diễn dịch. Cuối mỗi câu kinh xướng ngâm đều được bà con hiện diện cùng trổi giọng ngân nga hòa theo một cách rất trang trọng và hào hứng, tạo nên một bầu không khí trang nghiêm, hướng lòng thành tập chú vào việc tưởng niệm thâm sâu.

 Chứa đựng nhiều xúc cảm nhứt là giai đoạn lôi cuốn toàn tập thể bổn đạo được mời đứng lên, cùng đắm mình vào mục gọi là Takơ Mawlud, có nghĩa là đồng ca ngâm Mawlud, mọi người hiện diện cùngđứng lên tham gia Salawat Nabi, cùng hòa nhịp xướng ngâm câu kinh vinh danh Thiên sứ Muhammad (Sallallahu ‘ala Muhammad, Sallallahu alâyhi wa Sallam), Đấng Thiên sứ (Rasul Allah) cuối cùng đã được Allah Mặc khải Thiên kinh Qur’An và giao phó Sứ mạng  dẫn dắt người Muslim tin Allah, tôn thờ Allah, Đấng Thượng Đế Duy nhứt của toàn vũ trụ và loài người. Bổn đạo cùng tôn kính và noi gương Nabi Muhammad (SAW) chớ không phải tôn thờ Nabi như tôn thờ Đấng Tối Thượng Allah.

Kế tiếp là mục tập thể cùng đứng tại chổ xướng ngâm bài kinh theo thể thơ văn mang tựa đề “Tgola’al” và “Mar haban” với âm điệu trầm bổng cổ kính, hùng hồn vinh danh Thiên sứ Muhammad (SAW) .

Chấm dứt phần xướng ngâm kinh tập thể, toàn thể đồng loạt ngồi xuống, để tái tục phần xướng ngâm các bài kinh Barzinjy về sự nghiệp Nabi do cá nhân tiếp tục thay phiên nhau đảm trách cho đến bài kinh cuối cùng.

Xong, vị Imam đứng ra kết thúc phần đọc kinh Barzinjy bằng một bài kinh cầu nguyện Đu’a  được bổn đạo  cùng đưa ngữa hai bàn tay ra trước ngực, đồng loạt đáp ứng bằng từ “Amin” tôn kính sau mỗi câu kinh do vị Imam đọc.

Phần thứ hai của buổi lễ tưởng niệm Mawlid Nabi, theo truyền thống từ xưa nay, là buổi thết đãi tập thể (jamu) được thôn ấp tổ chức thết như là một buổi liên hoan trần tục ở một gian nhà bên cạnh, thường dành cho sinh hoạt văn hóa xã hội cộng đồng. Việc ăn uống không bao giờ diễn ra trong gian chánh điện giáo đường (masjid) vì chánh điện được xem là nơi tôn nghiêm, chỉ dành cho việc dâng lễ nguyện tôn vinh Allah, Đấng Thượng Đế Tối Cao Duy nhứt mà thôi. Chỉ trong trường hợp “Surao” tức tiểu giáo đường ở cấp thôn ấp (puk) quy mô không gian thu hẹp hơn, thì phần thết đãi ăn uống tập thể mới diễn ra ngay trong Surao sau khi chấm dứt phần xướng ngâm kinh Barzinjy.

Theo tập tục, buổi ăn tập thể trong mùa Mawlud Nabi tại các MasjidSurao thường do các gia đình nấu nướng và bưng đến phục vụ thết đãi bằng những chiếc mâm đồng bên dưới có gắn bốn cái chân cao khoảng một tấc. Trong những năm gần đây, những chiếc mâm đồng bốn chân lần lần biến mất, và được thay thế bằng chiếc mâm bằng nhôm, không có gắn chân. Đồng thời, do ảnh hưởng quan hệ thường xuyên gần gũi hơn với cuộc sống đô thị, người ta đã bắt đầu dùng những cuộn giấy bề ngang khoảng một thước tây, để trải thành những hàng dài,trên đó, sắp chén dĩa, tô, theo từng mâm 4 người, nhưng không còn sử dụng mâm trong buổi ăn tập thể nữa mà chỉ dùng để bưng thức ăn từ nhà đến Masjid. Vì dùng tay mặt để ăn bốc theo tập tục, một ban phục vụ thường mang một bình tích nước và một cái thau đi dọc theo từng hàng mời mọc các thực khách cùng rửa tay.

Sau khi nhận thấy tất cả đều sẵn sàng thì một vị cao niên đứng lên nói lớn “Bismillahir  Rahmanir Rohim” , có nghĩa là “Nhân danh Allah, Đấng Rất Mực Độ lượng, Đấng Rất Mực Khoan dung”, mời mọi người bắt đầu dùng bửa, trong khi ban phục vụ trẻ sẵn sàng chạy đến đáp ứng những điều thực khách cần.

Chương trình tiệc “jamu” chấm dứt buổi lễ tưởng niệm “Mawlid un Nabi” trong bầu không khí vui tươi cổ truyền của thôn ấp. Đây cũng là một dịp bà con trong thôn ấp tụm năm tụm bảy, cùng chuyện trò thân mật, cùng trao đổi thông tin với nhau về những vui buồn của cuộc sống thường ngày.

Ngoài buổi Ngăk Mawlud chánh thức hàng năm của thôn ấp, tại giáo đường, người Chăm Muslim Châu đốc còn thực hiện lễ Mawlud tập thể với cùng nội dung lễ thức tương tợ, vào mỗi tối thứ sáu. Cần lưu ý: khi người ta nói tối thứ sáu tức là vào buổi tối thứ năm theo tập tục người Việt; theo tập quán Islam, buổi tối được kể như đến trước ngày. Riêng phần Jamu thì có phần đơn giản hơn; thường, người ta tập trung nấu cháo gà để phục vụ lễ tưởng niệm, bên cạnh những thức ăn do các gia đình mang đến.

Ngoài ra, không kể đến quy định ngày giờ, các gia đình bất cứ ngày nào thuận tiện cũng có thể mời bà con trong xóm đến tham gia Ngăk Maulud tại nhà riêng, nhứt là trong dịp đi làm ăn xa mới quay về làng hoặc chiếu theo một lời ước nguyện riêng của bản thân hoặc của gia đình.

Tất cả những lễ thức này đã thấm sâu vào tập tục văn hóa truyền thống của cộng đồng người Chăm Muslim Châu đốc; người ta vui sống với lễ thức quen thuộc đã trở thành thân thương trong tập tục và cuộc sống của văn hóa đời thường; nó không còn chỉ được lồng thu hẹp riêng trong phạm trù tôn giáo Islam.

  1. Ý nghĩa

Đây là một lễ hội không có tính bắt buộc tức Wajib phải làm trong cuộc sống của người Chăm Muslim Châu Đốc và cũng không bị nghiêm cấm trong giáo luật Islam. Theo ghi nhận chánh thức trên mạng truyền thông thế giới, các nước sau đây khoảng hai phần ba dân số theo hệ phái al-Sunnah, được thấy cử hành bình thường lễ tưởng niệm Mawlid này, có thể kể: Ai Cập, Syria, Lebanon, Jordan, Palestine, Iraq, Kuwait, các Tiểu vương quốc, A Rạp Sau Đi (không chánh thức, nhưng trong đa số các gia đình), Sudan, Yemen, Libya, Tunisia, Algeria, Morocco. Mauritania, Djibouti, Somalia, Thỗ nhĩ kỳ, Pakistan, Ấn Độ, Sri Lanka, Iran, Afghanistan, Azerbaidjan. Uzbekistan, Turkestan, Bosnia (Nam Tư cũ), Indonesia, Malaysia, Brunei, Singapore...
Tuy nhiên, trên thực tế, việc cử hành lễ thức Mawlud cũng nêu lên trong nội bộ cộng đồng (jama’ah) d0i5a phương những luồng tranh cải bất đồng trong bối cảnh và thời điểm hiện nay, khi mà những kẻ đối nghịch với Islam trên thế giới đang nổ lực phá hoại không tiếc thương Đại Cộng đồng (Ummah) Islam của Nabi từ bên trong lẫn bên ngoài. Tệ trạng đáng tiếc này đã và đang diễn ra ngay trong cộng đồng người Chăm Muslim Châu Đốc, cụ thể là trong nhóm “Toa” dưới tác động của phái WahhabiyahSalafist bắt nguồn từ A Rạp Sau Đi lên án việc cử hành tưởng niệm Mawlid un Nabi bid’a (đổi mới) nên  xóm ấp Chăm Muslim Châu Đốc theo nhóm này là Muhamadiyah ở xã Châu Phong và al-Sunna ở bên xã Đa Phước tỉnh An Giang không cử hành lễ Mawlid Nabi như tại phần còn lại của cộng đồng Chăm Muslim Châu Đốc. Có một thời, sự tranh cải bất đồng gay gắt nổi lên giữa các cá nhân, gia đình, lần lần có biểu hiện nguy cơ biến thành xung đột giữa các dòng tộc, rồi thôn ấp, nhưng sau cùng, đã được giàn xếp ổn định trên tinh thần tương kính, an bình cần thiết,và vì an ninh chung, mỗi bên bị buộc phải thủ giữ cách làm và lối lý luận của mình, đừng bên nào  xen lấn vào nội bộ bên nào.
Phe bài bác lễ thức Mawlid  thường được thấy đưa ra lập luận, Nabi Muhammad (SAW) lúc sanh thời đã không tiến hành lễ sanh nhựt cho mình bao giờ cả, nên hậu sanh làm việc này tức là bid’a tức làm mới chớ không phải noi gương Nabi theo đúng bổn phận truyền thống của người Muslim.
Đối lại, các Ulama chân chính đã trưng ra một số bằng chứng từ Thiên kinh Qur’An và Sunna cho thấy việc cử hành tưởng niệm ngày sanh của Nabi Muhammad (SAW) đã được chấp nhận trong Shari’a:

  1. Đấng Allah đã bảo Nabi (SAW) nhắc nhở bổn đạo Muslim kính yêu Allah thì hãy kính yêu Rasul của Allah, trong Ayah 31, Surah 3 Thiên kinh Qur’An:

  
Ý nghĩa:
Hãy bảo (nhân loại, hởi Muhammad) :”Nếu các ngươi thật sự kính yêu Allah, thì hãy theo Ta (tức chấp nhận Islam tôn thờ một Đấng Thượng Đế Duy Nhứt, tuân thủ Qur’An và Sunna), Allah (đối lại) sẽ yêu thương các ngươi  và tha tội cho các ngươi, do bởi Allah Hằng Tha Thứ, Đấng Rất Mực Khoan Dung.
Việc làm Mawlud Nabi được thúc đẩy bởi bổn phận của người Muslim phải thương yêu Rasul Allah (SAW), vâng lời Người, tưởng nhớ Người, và cảm thấy  tự hào vì Người, giống như Đấng Allah đã tự hào về Người, khi Allah đã Phán trong Thiên kinh Qur’An (Ayah 68, Surah 4) :



Ý nghĩa:
Và quả thật, (Hởi Muhammad) Ngươi được phú cho những đức tánh cao nhã.
Niềm thương yêu Rasul Allah gây khác biệt giữa những người có đức tin trong việc hoàn hảo đức tin của mình, như đã thể hiện trong một Hađith xác thực của Bukhari và Muslim, Nabi Muhammad (SAW) đã nói:”Không một ai trong các ngươi tin cho đến khi người đó yêu thương Ta hơn con cái, hơn cha mẹ của người và hơn tất cả mọi người khác. Tính hoàn hảo đức tin tùy thuộc vào lòng yêu thương Rasul Allah do bởi Allah và các Thiên Thần nguyện cầu về Người, như đã được ghi nhận trong Ayah 56, Surah 33 Thiên kinh Qur’An:



Ý nghĩa:
Quả thật, Allah đã Ban lời chúc phúc (Salat) cho Nabi (Muhammad) và các Thiên thần (cùng cầu xin Allah Ban Ân phước và Tha thứ cho Người). Hởi những ai có niềm tin ! Hãy chúc phúc cho Người (Muhammad) và hãy chào đón Người bằng lời chào tốt lành Islam (As-salam-u-alâykum).

  1. Nabi Muhammad (SAW) đã nhấn mạnh ngày thứ hai là ngày Người sanh ra đời.

Trong quyển  Sahih Muslim, Kitab al-Siyam, Abu Qatada al-Ansari đã tường thuật, việc Rasul Allah (SAW) đã được hỏi về việc nhịn chay vào ngày thứ hai. Rasul Allah (SAW) đã trả lời:”Đó là ngày Ta đã sanh ra đời và đó là ngày lần đầu tiên Ta đã tiếp nhận Sứ mạng Thiên sứ.”

Trong quyển Kitab al-Madkhal, Ibn al-Haj (1:261) đã ghi, vào ngày thứ hai tháng Rabi’ul-Awwal, bổn phận của chúng ta là gia tăng sự tôn thờ của chúng ta bằng cách biết ơn Allah do những gì Allah đã ban cấp cho chúng ta như là một Ân Phước lớn lao – Ân Phước đã Phái đến cho chúng ta vị Rasul Allah kính yêu để điều hướng chúng ta theo Islam và an bình.

Khi trả lời câu hỏi về việc nhịn chay vào những ngày thứ hai được đề cập, Rasul Allah (SAW) đã đáp: “Vào ngày đó, Ta đã sanh ra đời. Do đó, ngày đó ban vinh dự cho tháng đó, bởi ngày đó là ngày của Rasul Allah...” và Nabi nói tiếp:”Ta là bậc trưởng thượng của con cháu A Đam và Ta nói điều này không phải với niềm tự hào..” Và Rasul Allah (SAW) nói:”A Đam và những ai truyền đời từ A Đam đều ở dưới ngọn cờ của Ta vào Ngày Phán Xử Cuối cùng”.

Khi mà Rasul Allah (SAW) nhấn mạnh ngày sanh ra đời và biết ơn Allah đã ban cho đặc ân đưa Rasul Allah (SAW) đến với cuộc sống bằng cách nhịn chay vào ngày đó, như được ghi nhận trong hađith của Abu Qatada, điều đó có nghĩa là Rasul Allah (SAW) biểu tỏ diễm phúc của mình bằng cách nhịn chay như là một phương cách tôn thờ. Khi mà Rasul Allah (SAW) nhấn mạnh ngày đó bằng cách nhịn chay, tôn thờ Allah dưới mọi dạng thức để nhấn mạnh ngày đó cũng có thể được chấp nhận. Ngay cả khi ta thay đổi hình thức, thực chất vẫn được giữ lại. Do đó, nhịn chay, ban cấp thực phẩm cho người nghèo, cùng tập họp để vinh danh Rasul Allah (SAW), hoặc tìm đến với nhau để tưởng nhớ phong cách tốt lành của Người, tất cả đều được xem như là một lối nhấn mạnh ngày đó.

  1. Allah đã Phán bảo: Hãy hân hoan vui mừng vì Rasul Allah như đã được ghi trong Surah 10, Ayah 58 của Thiên kinh Qur’An:


Ý nghĩa:
Do Hồng ân và Đức Khoan dung của Allah, hãy để họ hân hoan vui mừng.

Lệnh Phán Truyền này của Allah là do bởi sự ăn mừng làm cho con tim biết ơn về Đức Khoan dung của Allah. Do bởi Rasul Allah đã được cử phái đén như là một Đức Khoan dung cho toàn nhân loại, không phải chỉ người Muslim mới có trách nhiệm, mà còn cả nhân loại phải cùng nhau hân hoan vui mừng với con người củaRasul Allah (SAW). Rất tiếc là ngày nay chính một số người Muslim lại bài bác Lệnh Phán Truyền của Allah trong việc hân hoan vui mừng với Rasul Allah.

  1. Sự tưởng niệm ngày sanh của Rasul Allah khích lệ chúng ta cầu nguyện Allah về Rasul Allah và ca ngợi Rasul Allah, vốn là một bổn phận của chúng ta xuyên qua Surah 33, Ayah 56 Thiên kinh Qur’An như đã ghi trên. Không một ai có quyền phủ nhận bổn phận mà Allah đã quy định cho chúng ta đã được ghi rõ trong Thiên kinh Qur’An được.

 

 Soi sáng vấn đề, người viết đã có cơ may được đọc qua bài phát biểu của Dato’ SERI Bác sĩ MAHATHIR MOHAMAD, cựu Thủ Tướng Malaysia tại Trung Tâm Nghiên cứu Islam Oxford, Anh Quốc, ngày 16 tháng 4 năm 1996, xác định chúng ta đã đạt đến thời điểm của Jahilliyya (ngu muội) trong lịch sử, giữa những người Muslim với nhau, khiến Chân lý đã trở thành một món hàng và sự lừa dối đã biến thành chuẩn mực. Người Muslim ngay chánh ngày nay phải thay đổi và kiên quyết chỉnh sửa những gì đã được các nhà uyên bác Islam chấp nhận là đứng đắn từ 1400 năm qua và đang bị cho là bid’a, shirk, và kufr. Cần xác định rõ, những vị ulama tự gán hoặc được một số người dân cho là có thẩm quyền xác quyết là bid’a, shirk, kufr, họ vẫn không phải là Thiên sứ. “Chỉ có một Thiên sứ (Rasul Allah) cho người Muslim và vị đó là Nabi Muhammad (SAW), vị Thiên sứ cuối cùng đã mang đến và loan tỏa ánh  sáng đức tin Islam giữa con người trên trần thế này. Nabi Muhammad (SAW) và Thiên kinh Qur’An nhứt quyết không thể sai, nhưng những người diễn dịch Islam có thể sai.
Trên cơ sở tín lý căn cứ trên Thiên kinh Qur’An và Sunna, các vị Imam Islam, cử hành lễ thức tưởng niệm ngày sanh (Mawlid) của Rasul Allah tức là làm lễ tưởng niệm Islam, do bởi Rasul Allah là biểu tượng của Islam. Người Muslim ngay chánh khẳng định:

  1. Cử hành  lễ thức tưởng niệm ngày sanh (Mawlid) Nabi  bao gồm việc tổ chức bổn đạotụ họp lại để nghe Sira kể về cuộc đời của Nabi và nghe những lời ca ngợi (Madh) đã được viết ra về Người, ban cấp thực phẩm cho người dân và mang hạnh phúc đến cho cộng đồng (Jum’ah) trong dịp này, tất cả đều có thể được chấp nhận.
  2. Cử hành lễ thức Mawlid un Nabi phải không chỉ là vào ngày 12 tháng Rabi al-Awwal lịch Hijrah, mà có thể và nên làm ngay ở mọi ngày trong mỗi tháng tại các giáo đường, để người dân linh cảm thấy ánh sáng của Islam và ánh sáng của Shari’a trong các con tim của họ.
  3. Việc tụ họp lại để làm Mawlud là một phương thức hiệu quả và hửu hiệu nhằm mục tiêu mời gọi mọi người và giáo dục con em của mình, về với Islam; các buổi tập họp này tạo nên những cơ hội ngàn vàng không được để bị đánh mất, cho mọi Ulama học giả và nhà uyên bác giáo lý Islam chỉ dạy và nhắc nhở cộng đồng về đức tánh tốt lành của Nabi, nền nếp tôn thờ Đấng Tạo hóa Allah và phương cách đối xử với con người. Đây là một phương cách, làm cho trẻ con thương yêu và nhớ đến Nabi, bằng cách tặng cho chúng thực phẩm, tặng vật làm cho chúng vui sướng. Những bài kinh trong quyển Barzinjy truyền thống được viết bằng chữ A Rạp.
  4. Để nội dung và ý nghĩa lễ thức Mawlid Nabi đượctrọn vẹn thấm vào lòng bổn đạo Muslim tham dự, vị chủ lễ có thể làm một việc thiết thực và hửu ích bằng cách tóm lược bằng tiếng Chăm sự tích về ngày sanh của Rasul Allah (SAW) cho mọi người Muslim gốc Chăm hiện diện được thông suốt tường tận. Người Muslim được bảo và khuyến khích hiểu biết về Nabi Muhammad (SAW), về cuộc đời của Nabi, về các điều huyền diệu của Nabi, về ngày sanh của Nabi, về các phong cách xử thế của Nabi,về đức tin của Nabi, về các dấu ấn (ayat wa dala’il) của Nabi, về các sự ẩn dật của Nabi, về sự tôn thờ của Nabi. Và như vậy, có phải chăng sự hiểu biết này là một bổn phận đối với mọi người Muslim? Trong cuộc sống của người Muslim ngay chánh, còn gì có thể tốt lành hơn việc cử hành tưởng niệm ngày sanh tiêu biểu cho thực chất của cuộc đời Nabi để thủ đắc hiểu biết về cuộc đời của Nabi? Tưởng niệm ngày sanh của Nabi khởi đầu nhắc nhở chúng ta về mọi việc khác về Nabi. Điều này làm đẹp lòng Allah đối với chúng ta, và từ đó, chúng ta được hiểu biết ngày càng thâm sâu hơn về những tình tiết Sira của sự nghiệp Nabi, giúp chúng ta được sẵn sàng hơn trong nhận thức Nabi Muhammad (SAW) như là một tấm gương sáng đối với bản thân chúng ta, để tự sửa chửa, tự chấn chỉnh và bắt chước Nabi. Đó là lý do tại sao việc cử hành lễ tưởng niệm ngày sanh Mawlid un Nabi là một Ân đức lớn lao đã được truyền chuyển cho chúng ta.

                DOHAMIDE ABU TALIB
                GIUSÔ ADOT
                Ban Chủ biên trang mạng:
               www.chamchaudoc.com
               Mùa Mawlid Nabi 1435 Hijrah-2014 T.L.